Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo - Nam Cao

Chuyện là mình sắp đến kì thi học kì,  nên sẵn tiện vừa học bài này để kiểm tra môn Ngữ Văn thì mình tự ghi lại rồi đăng lên blog để ôn bài, nhân tiện chia sẻ cho các bạn đọc cho vui.

Chí phèo - Nam Cao

   Chí phèo là một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nam Cao viết về đề tài nông dân trước Cách Mạng. Đó là một tác phẩm có thể "làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời", đã đưa Nam Cao lên một vị trí hàng đầu trong lớp các nhà văn hiện thực phê phán những năm 1930-1945. Tác giả đã xây dựng thành công nhân vật điển hình, nhân vật Chí Phèo, phản ánh một tấn bi kịch có ý nghĩa sâu sắc vào loại tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam.
   Chí Phèo là một con người bất hạnh từ nhỏ, bị bỏ rơi ở lò gạch cũ, không rõ cha mẹ, không quê hương, được người dân trong làng truyền tay nhau nuôi lớn. Năm hai mươi tuổi, Chí Phèo đã phải ở cho nhà ông Bá Kiến. Chí Phèo là một người nông dân hiền lành, lương thiện, giàu mở ước khát vọng và dù cho có ở trong hoàn cảnh nào thì vẫn giữ được tính lương thiện, trong sáng. Ước mơ giản dị của Chí là có một gia đình nhỏ nhoi, chồng đi cày thuê cuốc mướn, vợ thì ở nhà dệt vải. Với tính cách coi trọng nhân phẩm, khi bị vợ ba Bá Kiến sai là việc xấu xa, Chí Phèo đã rất xấu hổ và nhục nhã.
   Trở về làng sau bảy, tám năm đi ở tù thực dân, Chí Phèo đã bị biến đổi cả nhân hình lẫn nhân tính. "Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn,  cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen ,cái áo Tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng. Suốt ngày nghiện rượu, chuyên đi rạch mặt ăn vạ, đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Hắn đã bị loại ra khỏi xã hội, điều này đã thể hiện qua tiếng chửi. Hắn chửi đời, chửi trời, chửi cả làng Vũ Đại, Chửi những đứa mà không ra chửi nhau với hắn, chửi đứa nào đẻ ra hắn nhưng đáp lại tiếng chửi chỉ là tiếng của mấy con chó. Đó là phản ứng của Chí Phèo với cuộc đời, dấu hiệu của một kiếp sống cô độc của người nông dân bị tha hóa, không được làm người.Chính nhà tù thực dân và xã hội đương thời đã khiến cho Chí Phèo bị băm vằm khuôn mặt, nhân cách người và trở thành một tên lưu manh, một con quỷ dữ.
   Sau cái đêm Chí Phèo ăn nằm với Thị Nở, một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng. Chí Phèo đã hết say, hoàn toàn tỉnh táo, linh hồn của Chí đã trở về. Lần đầu tiên hắn cảm nhận được âm vang của cuộc sống xung quanh mình, nào là tiếng chim hót, tiếng người đi chợ. Cảm thấy lòng bâng khuân, mơ hồ, ngồi nhìn lại cuộc đời, nghĩ về cái hiện tại rồi buồn và lo sợ cho tương lại. Chí Phèo đã thức tỉnh, hồi sinh để trở về với kiếp người.
   Đúng lúc đó, Thị Nở đã mang cho Chí một bát cháo hành. Đối với Thị đó là bát cháo tình thương, Thị nguyện mang cho Chí Phèo với tình yêu thương mộc mạc của mình. Còn Chí Phèo, ngạc nhiên và xúc động, mắt hắn ươn ướt. Hắn khao khát được làm người lương thiện. Ngồi suy nghĩ rồi hắn lại nhớ về lúc trước, khi bị bà Ba bắt bóp chân chỉ thấy nhục, hắn thấy rõ âm mưu xấu xa của mụ để rồi cảm thấy ăn năn, muốn làm nũng với Thị như làm nũng mẹ. Sự chăm sóc ân cần của Thị Nở đã làm cho Chí Phèo thức tỉnh tâm hồn, thức tỉnh bản tính hiền lành hàng ngày mà bấy lâu nay bị che lấp ở Chí.Chi tiết bát cháo hành vừa là chi tiết hiện thực thúc đẩy biến cố tâm hồn của Chí, vừa là chi tiết chứa đầy triết lí chữ tình, giàu giá trị nhân văn sâu sắc.
   Con đường hoàn lương của Chí Phèo vừa mở ra thì đã bị đóng lại do bà cô của Thị, phản đối tình yêu giữa Thị và Chí nên Thị đã cự tuyệt tình yêu với Chí Phèo. Khi mới vừa hay tin, đầu tiên trong Chí là cảm giác ngạc nhiên, thích thú trước sự giận dữ của Thị Nỡ. Cho đến khi hiểu được sự thật, hắn "ngẩn người", rồi "sửng sốt", "đuổi theo nắm tay" của Thị như một nỗ lực cuối cùng để níu giữ chỗ dựa tinh thần, niềm hy vọng duy nhất để có thể hoàn lương. Vì ý thức được nỗi đau, hắn lại chìm trong cơn say rồi "ôm mặt khóc rưng rức" và cứ "thoang thoảng thấy hơi cháo hành". Trong đầu Chí lúc bấy giờ chỉ là cảm giác tuyệt vọng và đầy phẫn uất, để rồi bị dồn đến đường cùng, hắn quyết định xách dao đi đến nhà Thị để đâm chết bà cô của Thị. Nhưng rồi "quên rẽ vào nhà Thị Nỡ", hắn đi thẳng đến nhà Bá Kiến để đòi làm người lương thiện.
   Tiếng thét "Ai cho tao lương thiện?" là tiếng thét bàng hoàng đau đớn, đầy phẫn uất. Nó thể hiện khát vọng làm người lương thiện mạnh mẽ của Chí Phèo, vừa là tiếng nói tuyệt vọng và kết tội xã hội vô nhân đạo đã chối bỏ quyền làm người lương thiện của Chí. Hành động đâm chết Bá Kiến là hệ quả tất yếu của sự khủng hoàng và bế tắc của cơn phẫn uất đang dâng trào, dâng lên đỉnh điểm trong tâm hồn của Chí. Nhận thức được nỗi đau bị từ chối làm người lương thiện, Chí Phèo đã quyết định tự kết liễu cuộc đời mình. Hành động của Chí là hành động tất yếu vì Chí đã thức tỉnh, đã hồi sinh, đã nhận ra cuộc đời oái ăm của mình, không thể tiếp tục làm quỷ dữ được nữa, nhưng làm người lương thiện cũng không thành vì không ai cho hắn hoàn lương. Kẻ thù của Chí Phèo đâu chỉ mình Bá Kiến mà là cả xã hội phi nhân tính lúc bấy giờ. Chính vì vậy cái chết là tất yếu, là sự giải thoát cho Chí Phèo.
   Trước đây để tồn tại, Chí Phèo đã phải bán bộ mặt người, linh hồn người cho quỷ dữ để rồi khi linh hồn đã trở về thì Chí lại phải đổi cả mạng sống của mình. Cái chết của Chí Phèo đã tố cáo mạnh liệt cái xã hội thực dân nửa phong kiến không những đẩy người nông dân và con đường lưu manh hóa mà còn đẩy họ tới chỗ chết. Mối xung đột quyết liệt ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng tám, đến lúc giai cấp thống trị phải đền tội.
   Làm thế nào để con người được sống cuộc sống lương thiện, bình dị trong cái xã hội tàn bạo ngột ngạt, vùi dập nhân tính ấy? Qua hình tượng Chí Phèo, Nam Cao đã đặt ra câu hỏi lớn ấy. Với cảm quan hiện thực sắc sảo đặc biệt, Nam Cao đã vạch ra mối mâu thuẫn giai cấp gay gắt ở nông thôn và tình trạng tha hóa phổ biến trong cái xã hội vô nhân đạo đó. Truyện “Chí Phèo” vừa chứa chan tình cảm nhân đạo, vừa mang ý nghĩa triết lí sâu sắc được thể hiện dưới hình thức nghệ thuật vô cùng độc đào, xứng đáng được coi là một kiệt tác.

Post a Comment

0 Comments